Hồi dương nhân quả: Án thứ mười một – Án thứ hai mươi:

Án thứ 11:

Phán quan đọc án kế: “Họ Khương ở Châu Hưng quốc, là nhà giàu bất nhơn, năm mươi mốt tuổi bị dân nghèo là họ Hồ giết. Họ Khương giàu lớn hơn nội châu ấy, vựa lúa mà bán cho các lái khắp nơi. Nội xứ chết đói vì trong năm thất mùa, họ Khương chẳng thí cho nhà nghèo một nắm lúa gạo. Khi ấy quan phủ, quan huyện cho mời, bảo bố thí cho dân đói, y lo hối lộ cho khỏi bố thí. Đến nỗi bà con hoạn nạn chết đói, y cũng không ngó tới”

Phán: “Ngươi bình sanh trọng tiền bạc, chẳng hề cho ai vay mượn, lòng ở khắc bạc gắt gớm độc hơn tội giết người, không thể nào dung đặng”.

Tâu: “Tôi mới biết gắt gao rít róng mắc tội nơi luật trời. Xin vương gia tha tôi về, đặng tôi cải ác tùng thiện, xuất hết tiền của lúa gạo mà bố thí cho dân nghèo. Xin vua rộng lòng y tấu”.

Phán: “Ngươi còn trông sống lại hay sao? Kho lẫm trong nhà còn thuộc về của ngươi hay sao? Con cái ngươi đều là oan gia, thiệt con đòi nợ chưa đầy một năm nó đã phá hết sự sản, không còn sót món nào!”

Khương nghe rõ khóc ròng than rằng: “Tôi bấy lâu chắc mót quyết để lâu dài. Cùng chẳng đã xuất một đồng điếu mua củi, hoặc mua rau cải cũng còn tiếc lắm. Ai dè con là tội báo cừu nhơn đầu thai vào mà phá hết sự sản tức biết chừng nào!”

Phán: “Cái tộ gắt gớm cũng như tham gian. Trước giam theo ngạ quỷ, bỏ đói cho lâu. Sau sẽ cho đầu thai làm ăn mày, chịu đói rách  mà đền tội bỏ đãy buộc chặt”.

Án thứ 12:

Phán quan đọc án kế: “Họ Doãn ở huyện Quy Đức làm thầy thuốc mập mờ, hốt thuốc phạm chết vừa nam vừa nữ cộng mười một mạng. Tánh hảo ăn thịt trâu lắm, bữa nào cũng có thịt trâu mới chịu cầm đũa tội ấy cũng nhiều, Tuy trốn khỏi tội dương gian, chớ lánh sao cho khỏi luật âm phủ”.

Phán: “Phạt nó làm trâu đầu thai mười một kiếp, mà trừ tội phạm thuốc mười một người”.

Án thứ 13:

Phán quan đọc án kế: “Họ Lý ở huyện Thần Châu, ròng làm nghề mai mối. Miễn có tiền mướn mà ăn, thì quyết dụ gạt con gái nhà lành, ở đợ, làm bé mà chẳng động lòng thương. Đến nỗi làm mai con nít cho ông già, cột mối bà già cho trai nhỏ, bọn ấy không vừa ý, tức mình phát bệnh mà chết hết bảy người, vì không thể sanh đẻ nối đời đặng”.

Phán: “Bởi tội y nói xảo mà rù quyến gạt người, nên bị án nặng. Truyền cắt lưỡi, bẻ răng, bỏ xuống hầm đời đời, cho oan hồn bớt tức”.

Án thứ 14:

Phán quan đọc án kế: “Họ Phùng ở huyện Miễn Dương là tên tá điền, năm nào cũng giấu bớt lúa mà đong chút đỉnh. Nếu năm nào mà trúng mùa, thì đem lúa ngâm nước một đêm mới đong lúa ruộng. Chủ điền tức mình, lấy ruộng lại cho người khác mướn, nó cũng mướn thầy kiện không chịu giao. Nếu làm ra lẽ, để cho người khác mần, thì tới khi gieo mạ, giống lúa sớm nó lén vãi lúa muộn vào, hoặc lúa muộn, vãi lén lúa sớm vô, lộn lạo cho thất mùa, phải cho nó mướn. Tội hung dữ ngang ngược thái quá không phải tầm thường. Đáng phạt đầu thai làm đứa ăn mày bại xuội, mà đền tội ngang tàng kiếp trước”.

Họ Phùng tâu: “Tôi có thấy chỉ dụ của Vương gia, phàm dân ruộng rẫy, đều cần kiệm cực nhọc, dầu có tội gì nhỏ mọn đều rộng dung. Vậy xin vương gia ân xá”.

Phán: “Kẻ lo làm ruộng, tay chân mỏi nhọc không hở, ăn uống cực khổ dư ra thì bán cho đời, thiên hạ đều nhờ công lao kẻ làm ruộng. Vậy mới có công với đời, nên tha lỗi nhỏ. Có đâu tham gian độc dữ như ngươi, đừng có nói nhiều chuyện, quỷ sứ dẫn giải đi cho mau”.

Án thứ 15:

Phán quan đọc án kế: “Họ Uông ở huyện Than Âm, cha nó ăn chay làm lành, nó chẳng nghe lời cha dạy. Cả đời làm nghề đánh cá, mỗi ngày bắt cá trạch, lươn, tôm, trạnh cua đinh, khong biết bao nhiêu mà kể. Cha nó có quở la thì nó cự và mắng lại như cơm bữa. Song nó có hiếu với mẹ lắm, mẹ nó dau, thì lo chạy thang thuốc, nuôi dưỡng hết lòng. Bởi cớ ấy, nên Táo Quân có tâu với Thượng đế xin trừ án nặng”.

Vua ngó Phán quan mà phán rằng: “Tên này trái lòng nhân của Thượng đế, vì lòng Trời muốn người vật sanh ra cho nhiều không muốn giết hại”. Rồi day lại, phán quở rằng: “Loài cá trạnh cừu oán chi với ngươi, nếu có việc chi phải lẽ như là cúng ông bà, nuôi cha mẹ, cùng chẳng đã bắt đỡ mà dùng. Vậy nên Đức Khổng Tử câu mà chẳng lưỡi cũng là thể theo lòng nhân của trời. Nếu chài lưới đánh như ngươi, mà nhiều người làm như vậy, thì không còn sót tôm cá lươn trạnh. Nếu tính mỗi mạng vật, cho người đầu thai mà thường mạng, thì muôn đời chẳng dứt nợ oan trái ấy. Lại thêm mắng cha, tội lớn thấu trời, mau dẫn qua địa ngục”.

Phán quan tâu: “Vương gia thường trọng chữ hiếu, tên này cơn mẹ bệnh, nuôi dưỡng lo chạy hết lòng, khi mẹ liệt, nó lóc thịt bắp vế cho mẹ ăn bổ cầm hơi, cũng nên trừ cấn”.

Phán: “Bất hiếu với cha, mà chí hiếu với mẹ, trẫm cũng rộng lượng cho trừ. Tính một tội đánh cá, cho đầu thai làm đứa hung hoang, hai mươi tuổi bị quan xử trảm”.

Án thứ 16:

Phán quan đọc án kế: “Họ Trần ở Hớn Trấn, lòng xảo trá mưu kế không lo nghề nghiệp làm ăn. Hằng ngày rủ ren con em nhà lương thiện đánh bài bạc mà lấy xâu và ăn gian ăn lận nữa, đến nỗi nhiều người tán gia bại sản, mà thói dữ cũng không chừa. Lại lập thế bắt con gái nhà nghèo làm hầu thiếp (như lập thế tiền trái hậu mãi). Hai tội nhập một nặng nề”.

Vua phán: “Nghề bài bạc hại người độc hơn nước lửa trộm cướp. Nếu bị thua quá, thì phải bỏ nghề nghiệp, đổi lòng ngay, gái trai cũng hư danh thất tiết, tới nỗi an gia sản, liều thân mạng. Ngươi tai mắt không thiếu, đủ tay đủ chân, sao không học nghề nghiệp làm ăn ngay thẳng, mà chi độ cho qua ngày. Trên làm tên dân không phạm luật triều đình, dưới làm người phải, khỏi nhơ danh tổ phụ. Lẽ nào dùng tai mắt mà làm quấy, lo mưu kế mà gạt người. Cái thân hữu dụng, làm tội vô cùng. Khác nào: ăn thịt người cho no bụng, phá nhà chúng đặng vui lòng. Cho hay: quỷ thần giận ghét tội không dung, trời đất xây vần oan phải trả. Tuy phạt người tuyệt tự, trừ mưu bắt chúng mà làm hầu. Chớ tội chứa cờ bạc, không thể nào trừ đặng. Quỷ sứ chặt mười ngón và hai tay, rồi mổ bụng móc tim rút ruột. Rốt lại cầm hoài nơi địa ngục, không đặng đầu thai”.

Họ Trần tâu: “Tôi tối dạ đi học không nên, tập bài bạc kiếm tiền dễ lắm. Lỡ vào nghề đó, sanh gian sanh lận. Song ăn thì vùa, thua thì trả, hai bên tình nguyện như nhau, Chớ tôi không giựt của, xin Vương gia dung thứ”.

Phán rằng: “Rủ ren kẻ thiệt thà, ăn gian ăn lận, dầu anh em cũng quyết lột da, huong chi bằng hữu mà không mổ mật. Khiến người mất của, ngươi mới đẹp lòng. Ai dại gì tình nguyện đem của mà cho ngươi, cũng tại ngươi lập thế thần mà đánh bẫy, ngoài chuốc ngót nói lời ngon ngọt, làm như thiết nghĩa ruột rà, nào là đãi ăn, nào là phục rượu, nào là đem nữ sắc mà quyến luyến cho mê sa. Ấy là trăm mưu ngàn kế mà gạt người, tội ác dường này mà bỏ luật dung tha sao cho đặng? Quỷ sứ cứ việc dẫn nó đi”.

Án thứ 17:

Phán quan đọc án kế: “Họ Lý ở huyện Hoành Dương đi lính tập theo quân du kích. Còn họ Du, huyện Huỳnh Mai cũng đi lính tập theo sở cầm cờ đánh trống. CÒn họ Thanh cũng ở huyện Huỳnh Mai, là lính pháo thủ của quan đề đốc họ Lý tự Giang Tư. Ba tên ấy đều có đánh giặc”.

Vua phán rằng: “Quân lính trong đội ngũ chinh chiến, tay cầm gươm súng, lòng tập hung hăng, thắng trận thì bắt vợ con người ta, thậm chí ăn thịt người nữa. Tội ấy chẳng hèn đồng quăng lên ngục Đao sơn cho đáng kiếp”.

Phán quan tâu rằng: “Họ Thanh lúc phá thành Dương Châu, bắt dặng ba người mà chẳng giết. Bắt đặng hai người đàn bà mà chẳng động tới, đều trả lại cho chồng: hai người chồng đền ơn bạc tiền, y cũng không chịu lấy. Hai khoản ấy phước phần chẳng nhỏ. Huống chi mỗi tháng ngày rằm với mồng một, ăn chay tụng bảy biến kinh Cao Vương”.

Phán: “Có công đức như vậy, trẫm cũng đáng kính đáng khen, cấp điệp cho họ Thanh, qua vua Đông Nhạc, mà đầu thai làm chức quan văn thất phẩm, sống bảy mươi chín tuổi, không bịnh mà mãn phần, con cháu hai đời đều đặng công danh vinh hiển. Còn hai linh hồn kia xử y án trước”.

Án thứ 18:

Phán quan đọc án kế: “Nàng Tiền Mẫu Nương ở huyện Gia Ngư, ghen dữ và ngỗ nghịch với cha mẹ chồng, cũng đáng cầm ngục A Tỳ, còn luận lành dữ nó làm chi nữa”.

Nàng Mẫu Nương tâu: “Tôi không dám bất hiếu với cha mẹ chồng, mà tôi còn ăn chay bố thí nhiều lắm”.

Phán: “Dầu ăn chay bố thí như vậy, cũng không chuộc nổi tội bất hiếu với cha mẹ chồng. Song nghĩ người ăn chay bố thí, nên tha tội xa giã mà thôi, giải qua giam vào địa ngục không đặng đầu thai mà răn những nàng dâu ngỗ nghịch”

Án thứ 19:

Phán quan đọc án: “Nàng Châu Tú Nương, ở phủ Thừa Thiên, có chồng mà lấy trai, ấy là tội nặng. Lại thêm hại một mạng tớ gái”.

Phán: “Đàn bà có đức chính chuyên một chồng. Tính nết phụ nữ, phải hiền hậu lành, mới phải đàn bà đức hạnh. Ngươi là con khốn, không biết xấu hổ, không giữ chính chuyên, lấy trai lang chạ, là bởi ham ăn làm biếng, không lo việc nữ công, ăn no ở không, mơ tưởng việc dâm dục, tham ăn thịt, mê uống rượu, lại đánh bóng trang điểm, bán dạng thuyền quyên, làm cho trai mê mẩn mang tiếng xấu danh nhơ, mi đã thất tiết xấu xa, hại chồng mi mang nhục, hư thể diện cha mẹ tông môn của mi, không cần con cháu hổ thẹn. Tuy đội lốt người, mà khác nào súc vật. Lại còn độc ác, hại mạng tớ gái. Sao không biết xét, tớ gái cũng có cha mẹ sinh thành, bởi kiếp trước nó không tu, nên đời nay hèn hạ. Mi nết xấu cũng như là đứa hèn, mà được sai khiến đứa hèn là quá phép, nỡ nào không có lương tâm, mà đành đoạn hại mạng nó? Mau nấu dầu mà trị tội lấy trai và cho hồn oan con tớ hết tức. Rồi cầm hoài địa ngục không đặng đầu thai”.

Án thứ 20:

Phán quan đọc án kế: “Nàng Thành Sửu Nương huyện Thanh Âm hay xúi chị em bạn dâu lối xóm rầy lộn, hại con gái xóm ấy hàm oan tức mình thắt họng mà chết. Lại hay bảo mấy nàng thủ tiết lấy chồng. Đẻ con gái năm lần, đều trấn nước chết hết”.

Phán: “Hại một mạng người dưng thì thường mạng một kiếp; nếu mà hại một mạng ruột thịt, phải thường mạng hai kiếp. Truyền Quỷ sứ dẫn hồn con ma thắt họng, và năm con ma da nhỏ, kéo nó xuống ao nước, cho bớt giận một hồi. Rồi bắt lên, cắt lưỡi, mổ bụng, móc ruột, không cho đầu thai, cầm hoài nơi địa ngục, mà trừ cái tội khuyên tiết phụ cải giá và xúi chúng rầy rà”.

Sửu nương tâu: “Chẳng phải tôi ham khuyên cải giá làm chi. Bởi thấy chúng nó còn tơ mà nghèo khổ lại không con, thủ tiết ích gì, chi bằng cải giá cho qua ngày: ấy là lòng tốt của tôi”.

Phán rằng: “Ác phụ không biết phải quấy! Đàn bà may rủi một đời, nếu chồng thác, thì phải thủ tiết, Thượng đế càng kính vì tiết phụ, dầu có chết đói, ngàn muôn năm cũng ngợi danh thơm. Nếu nó muốn tái tiện, ngươi cũng phải cản trở, mới là lòng tốt. Sao bảo nó cải giá, làm cho nó mang tiếng thất tiết trọn đời. Ngươi đừng cãi sướt nữa! Mau giải đi hành tội”.

This entry was posted in THAM KHAO. Bookmark the permalink.

Leave a comment